Giáo viên có cần học đại học để đủ chuẩn trước 1/7/2020
Khi luật giáo dục năm 2019 được Quốc hội công bố, rất nhiều vấn đề mới được đưa ra. Trong số đó có một vấn đề được rất nhiều giáo viên quan tâm: “Giáo viên có cần học đại học để đủ chuẩn trước 1/7/2020”. Sau đây mời các bạn tham khảo một số thông tin nhé.
Theo Luật giáo dục 2019 thì kể từ ngày 01/7/2020, giáo viên tiểu học và trung học bắt buộc phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên. Đây là nội dung quan trọng được đề cập tại Luật Giáo dục 2019, cụ thể, theo Luật này, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo các cấp đã được nâng lên so với Luật Giáo dục 2005. Theo đó:
– Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).
– Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Vấn đề đặt ra ở đây là đối với những giáo viên tiểu học và trung học hiện tại đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nhưng chưa đủ chuẩn (chưa có bằng cử nhân) thì có phải đi học tiếp để lấy bằng Đại học trước ngày 01/7/2020 hay không? Và liệu những giáo viên chưa đủ chuẩn đến thời điểm đó thì có bị cho thôi việc hay không?
Về vấn đề này, VnDoc xin chia sẻ đến các bạn đọc như sau: Việc nâng trình độ chuẩn nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Đây chính là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 936/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn Luật được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 vào tháng 4/2020.
Vậy nên các giáo viên hiện nay chưa đủ chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật giáo dục 2019 cũng đừng quá lo lắng, vì trong thời gian tới Chính phủ sẽ có lộ trình và giải pháp cụ thể để thực hiện việc nâng chuẩn này cho phù hợp, không gây ra sự biến động đột ngột.
Cũng theo Luật Giáo dục 2019, đối với những học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13.
“Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở lên đại học sư phạm. Bộ sẽ chỉ đạo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng ngay khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua và có hiệu lực. Không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học.” Đây là giải đáp của Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khi được hỏi về về phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp trước đó theo Dự thảo Luật Giáo dục 2019.
Ông cũng cho biết thêm, đối với những giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm, Cao đẳng hoặc những giáo viên chưa đạt trình độ Đại học còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là đại học thời gian công tác còn trên 5 năm, Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới. Hình thức đào tạo cuốn chiếu ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích hay học chủ yếu học để lấy bằng.
Bộ sẽ ban hành lộ trình để áp dụng quy định này hoặc đưa ra thời điểm có hiệu lực với riêng một số vùng, địa phương còn nhiều khó khăn, để các địa phương này có thời gian triển khai các giải pháp nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở một cách phù hợp. Song hành với nâng chuẩn trình độ đào tạo, Bộ GDĐT xây dựng quy định đảm bảo quyền lợi đối với giáo viên và đưa ra lộ trình phương thức triển khai phù hợp với từng đối tượng, vùng miền.
Theo Điều 73 Luật Giáo dục 2019, Bộ GDĐT cũng đã quy định các chính sách đối với nhà giáo khi học tập nâng cao trình độ như sau:
Điều 73. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo
1. Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.
2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, giáo viên được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn.
theo vndoc