Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 Giáo viên có được nhận bao lì xì?
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp để học sinh, phụ huynh tri ân công sức đóng góp của các thầy cô giáo. Tuy nhiên, trong những ngày này, giáo viên có được nhận phong bì không? Sau đây là một số qui định của pháp luật, mời các bạn tham khảo:
1. Năm nay sẽ không tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
Tại Điều 76 Luật Giáo dục 2005 sửa đổi 2009 nêu rõ, ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để toàn thể xã hội thể hiện sự tri ân đối với các thầy cô giáo, những người đã bỏ bao công sức, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” cao cả. Vậy năm nay, ngày lễ này sẽ được tổ chức thế nào?
Điều 4 Nghị định 111 năm 2018 quy định nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngành truyền thống của các Bộ, ngành, địa phương có nêu rõ:
– Hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức;
– Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền;
– Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trong đó, năm tròn là năm có chữ số cuối cùng là “0”;
– Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.
Theo đó, tính từ năm 1982, năm đầu tiên ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể trên cả nước thì năm 2020 không phải là “năm tròn” theo quy định nêu trên. Do đó, năm nay, các giáo viên sẽ không được tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
2. Ngày 20/11, giáo viên được nhận phong bì của phụ huynh không?
Hiện nay, cứ đến ngày Nhà giáo 20/11 là nhiều bậc phụ huynh lại rỉ tai nhau xem nên tặng quà gì cho các thầy cô giáo để các thầy cô quan tâm đến con em mình hơn. Nhưng liệu theo quy định của pháp luật, các thầy cô giáo có được “quà”, phong bì từ phụ huynh, học sinh không?
Điều 22 Luật Phòng chống tham nhũng nêu rõ, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của người có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong đó, người có chức vụ, quyền hạn gồm cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng, hợp đồng… được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Đồng thời, Luật Giáo dục cũng nêu rõ nhà giáo là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt. Cụ thể, Quyết định 16 năm 2008 quy định chi tiết về đạo đức nhà giáo gồm:
– Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí;
– Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành…
Như vậy, căn cứ những quy định trên, giáo viên không được phép nhận “phong bì” từ các phụ huynh và học sinh. Đây có thể coi là một biểu hiện của hành vi tham ô, tham nhũng cần phải ngăn chặn, loại trừ.
theo hoatieu.vn