Những điều cần biết ki ôn thi THPT quốc gia
Những điều cần biết ki ôn thi THPT quốc gia
Thời khắc quan trọng của các em học sinh cuối cắp sắp đến. Các em học sinh đang ngày đêm bên đèn sách ôn thi THPT quốc gia 2017. Các em hãy ghi nhớ những điều sau nhé.
“Tuyệt đối không xem nhẹ lý thuyết”
Đây là lời khuyên từ cô giáo Nguyễn Kim Anh – giáo viên dạy môn Sinh học trường Nguyễn Siêu. Theo cô Kim Anh, môn Sinh có rất nhiều lý thuyết và các chuyên đề, chúng có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Đặc biệt là đề thi minh họa của Bộ Giáo dục – đào tạo cũng đã cho thấy tỷ lệ những câu hỏi lý thuyết và bài tập là ngang bằng nhau, vậy nên khi đã nắm chắc lý thuyết, các thí sinh hoàn toàn có thể làm chủ một nửa điểm số của mình. “Khi ôn tập trong thời gian nước rút, các em nên gạch những vấn đề quan trọng trong từng chuyên đề, kết nối và xâu chuỗi chúng để có được cá nhìn khái quát và chắc chắn, tránh sự nhầm lẫn trong các câu hỏi lý thuyết. Khi làm bài, các em cũng nên cố gắng hoàn thiệt các câu lý thuyết trước rồi mới sang phần bài tập”.
Đồng quan điểm với cô Kim Anh, thầy Trần Hoàng Phi – giáo viên môn Hóa học của chương trình Chinh phục kỳ thi cũng cho rằng trong vòng 1 tháng cuối trước kỳ thi, các thí sinh cần ôn tập thật nhanh, nhưng không nên tập trung quá nhiều vào các dạng bài tập khó mà cần ôn tập hệ thống hóa lại các kiến thức chặt chẽ, để nắm vững được lý thuyết, đạt điểm chắc chắn ở 24 câu đầu tiên.
“Có rất nhiều câu lý thuyết mà các em có thể nhầm lẫn khi làm bài thi, hãy cố gắng ghi lại thành tuyển tập để học cho nhớ. Hệ thống lại mảng kiến thức dễ nhầm lẫn như: axit – bazo – lưỡng tính, tính oxi hóa, tính khử, quá trình oxi hóa – quá trình khử, so sánh nhiệt độ sôi, tên các chất hữu cơ” – thầy Phi chia sẻ.
Còn về môn Vật lý, thầy Nguyễn Thành Nam – giáo viên Vật Lý chương trình Chinh phục kỳ thi cũng cho biết: “Việc nắm vững kiến thức lý thuyết môn vật lý rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết có thể chiếm tỷ lệ không nhỏ trong đề, lại là những câu dễ làm và có thể làm nhanh”. Theo thầy Nam, lý thuyết rất dễ bị quên và hình thành nên những lỗ hổng kiến thức mà ít ai nhận ra, vậy nên các thí sinh nên ôn tập lý thuyết theo cách càn quét từng mảng lớn để đảm bảo không bỏ sót kiến thức.
Luyện đề thi thử để tìm lỗ hổng
Theo thầy Hoàng Phi, trong 1 tháng “nước rút” này, các thí sinh cũng nên luyện đề để làm quen tốt hơn và tìm được những lỗ hổng trong kiến thức, đặc biệt là lỗ hổng lý thuyết.
“Các em có thể tìm kiếm những nguồn đề thi thử tin cậy, có độ khó đảm bảo, cấu trúc bám sát các đề thi minh họa. Thông thường nên chọn đề của các Sở, các trường Chuyên, nơi có các thầy cô uy tín, có phản biện đề cẩn thận và quản lý chặt chẽ. Sau khi làm đề, nếu thấy các dạng bài tập còn chưa vững thì có thể tập hợp lại thành một tuyển tập câu hỏi về peptit, este, HNO3, điện phân, nhiệt nhôm… để có thể làm đi làm lại cho quen” – thầy Phi chia sẻ.
Thầy Tiến Minh – giáo viên môn Toán học (Chinh phục kỳ thi) cũng cho rằng các thí sinh nên tập trung ôn lại những kiến thức đã học, làm lại các dạng bài trong các đề thi theo độ khó tăng dần để rèn luyện khả năng tư duy của bản thân, đặc biệt là kiểm tra lại dược xem mình còn yếu phần nào, còn “hổng” phần kiến thức nào cần bổ sung. Thầy Minh cho biết: “Các em dành nhiều thời gian để luyện đề sẽ giúp rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị được tâm lý, tâm thế cho bài thi chính thức. Hiện, các giáo viên cũng phải giúp cho các em học sinh tiếp cận được phương pháp, kỹ năng, cách giải các bài trắc nghiệm nhanh gọn và chính xác”.
Còn môn tiếng Anh, cô giáo Xuân Hoa – giáo viên môn tiếng Anh khuyên các thí sinh nên luyện nhiều đề thi để có thể nắm được nhiều tình huống hơn, trau dồi được vốn từ vựng được tốt hơn, thậm chí là có thể gặp lại được nhiều dạng cấu trúc câu, giúp các em nhớ lại và hệ thống được kiến thức đã học.
Sử dụng triệt để những công cụ, phương pháp làm bài thi
Theo cô giáo Tuyết Mai – giáo viên môn Địa lý trường THPT Việt Đức, các thí sinh trong quá trình ôn tập thường chủ quan, không rèn luyện nhiều kỹ năng khai thác Atlat trong khi đây là công cụ không thể thiếu khi làm bài thi.
Cô Mai chia sẻ: “Có rất nhiều kỹ năng địa lý như khai thác Atlat, phân tích biểu đồ, nhận xét bảng số liệu trong Atlat… Theo đề minh họa thì có khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc sử dụng Atlat phân tích sự phân bố các đối tượng địa lý và có những câu liên quan đến phân tích biểu đồ, thành phần kinh tế… Để làm được và làm đúng những câu này, các em cần sử dụng thường xuyên cuốn Atlat địa lý Việt Nam, tận dụng chúng để làm bài thi tốt nhất”.
Còn theo thầy Tiến Minh, trong quá trình làm bài thi môn Toán, các thí sinh có thể sử dụng máy tính Casio cho một số câu nhưng không nên lệ thuộc vào nó. Bởi lẽ trong đề thi minh họa môn Toán được công bố ngày 14/5 đã có sự hạn chế sử dụng máy tính và đưa tính tư duy sáng tạo lên hàng đầu. “Thay vì luyện bấm máy tính giải toán, các em nên luyện những phương pháp giải toán nhanh khác, đặc biệt là luyện phản xạ khi giải bài, vận dụng những phương pháp đã học để tìm ra kết quả nhanh nhất. Trong đề thi minh họa, có một số câu nếu sử dụng máy tính sẽ còn mất nhiều thời gian so với việc vận dụng một phương pháp khác để giải” – Thầy Minh cho biết.
Nguồn: VTV.vn