Phương án thi THPT năm 2020 chính thức từ Bộ GD&ĐT

Theo PLO- Bộ GD&ĐT cho biết sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục đích là để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Ngày 22-4-2020, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin chi tiết về kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp THPT

Theo ông Độ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ thi THPT năm nay sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm (dự kiến vào tháng 8-2020).

Thời điểm này, cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực thi hành, do vậy sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, kỳ thi dự kiến sẽ gồm ba bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai bài thi tổng hợp KHTN và bài thi tổng hợp KHXH.

Trong đó, bài thi KHTN gồm tổ hợp của ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của hai môn Lịch sử, Địa lý.

Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; thí sinh GDTX phải thi hai bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Về việc tổ chức, kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chủ trì. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.

Các tỉnh sẽ thành lập hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả khâu của kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Đề thi sẽ dễ hơn

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước.

Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Đề thi sẽ dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX.

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD&ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổ hợp tự chọn KHTN và KHXH hướng đến đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế học lệch, học tủ.

Cùng với đó, tổ chức thi ba môn bắt buộc và một bài thi tổ hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ hơn, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các thí sinh.

Mặt khác, sử dụng đề thi chung là phù hợp với việc sử dụng chung mẫu bằng tốt nghiệp THPT có tính quốc gia cho các thí sinh. Việc này tạo thuận lợi trong hội nhập quốc tế, nhất là trong việc học sinh đi du học ở nước ngoài.

Để tránh tiêu cực, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi.

Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của bộ, có sự giám sát của hệ thống camera trên cơ sở phát huy hiệu quả của quy trình chấm thi năm 2019 để đảm bảo quy trình chấm thi an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận.

Đặc biệt, năm nay các tỉnh phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD&ĐT sẽ lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi.