Lương giáo viên được tăng khi nào
Giaoan.link xin chia sẻ lại thông tin một số trường hợp giáo viên được tăng lương. Tài liệu mang tính chất tham khảo thông tin.
1. Khi mức lương cơ sở tăng
Hiện nay, căn cứ vào Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, mức lương của giáo viên vẫn được tính theo công thức:
Mức lương = Lương cơ sở x hệ số lương
Do đó, hai yếu tố quyết định đến mức lương của giáo viên là lương cơ sở (hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng) và hệ số lương. Trong khi hệ số lương là được quy định tương đối ổn định, bất biến trong khoảng 15 năm nay, thì mức lương cơ sở lại được điều chỉnh tăng định kỳ hàng năm.
Như vậy, khi mức lương cơ sở tăng, đồng nghĩa với việc mức lương thực tế của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên cũng sẽ tăng tương ứng.
2. Khi được tăng bậc lương thường xuyên
Nếu giáo viên chưa xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh nghề nghiệp viên chức thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn nêu tại Thông tư 08/2013 của Bộ Nội vụ:
Về thời gian giữ bậc trong chức danh
– Với các chức danh chuyên gia cao cấp: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp;
– Với chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Sau 03 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong chức danh;
– Với chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Sau 02 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong chức danh.
Về tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên
– Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
– Không bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Như vậy, có thể thấy, tùy vào từng đối tượng giáo viên với yêu cầu trình độ đào tạo khác nhau mà thời gian nâng bậc lương thường xuyên cũng khác nhau. Khi bậc lương được tăng lên, thì mức lương thực tế của giáo viên cũng tăng tương ứng.
Ví dụ: Giáo viên trung học (Viên chức loại A1.) có giữ lương bậc 1 với hệ số là 2.34. Sau khi đủ thời gian giữ bậc lương này, giáo viên trung học sẽ được nâng bậc lương lên bậc 2 với hệ số là 2.67. Khi đó mức lương của giáo viên trung học cũng sẽ thay đổi do hệ số lương tăng.
3. Khi được nâng bậc lương trước hạn
Ngoài việc được nâng bậc lương thường xuyên thì có một số trường hợp đặc biệt, giáo viên sẽ được nâng bậc lương trước hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ này không được vượt quá 10% trên tổng số giáo viên tính tại thời điểm 31/12 của năm xét nâng lương.
Theo đó, để được nâng lương trước hạn thì các giáo viên phải đáp ứng đồng thời các điều kiện nêu tại Quyết định số 51 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:
– Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
– Không vi phạm kỷ luật với một trong các hình thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức;
– Lập thành tích xuất sắc và được công nhận bằng văn bản. Và các danh hiệu này phải do Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành xét tặng do lập thành tích xuất sắc khi thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Chưa được xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh;
– Tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng lương trước hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng lương thường xuyên;
– Không thực hiện nâng lương trước hạn 02 lần liên tiếp (hai bậc liền kề) trong cùng chức danh.
Riêng giáo viên đã có thông báo nghỉ hưu thì sẽ được xem xét, nâng lương 01 bậc trước thời hạn 12 tháng nếu:
– Đã có thông báo nghỉ hưu;
– Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
– Không vi phạm kỷ luật với một trong các hình thức là khiển trách, cảnh cáo, cách chức;
– Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong chức danh;
– Còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng lương thường xuyên kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu.
Đặc biệt: Nếu giáo viên vừa thuộc trường hợp nâng lương do lập được thành tích xuất sắc khi làm nhiệm vụ vừa thuộc đối tượng được nâng lương trước hạn khi có thông báo nghỉ hưu thì giáo viên đó được chọn 01 trong 02 chế độ nêu trên.