Tiểu sử Sương Nguyệt Anh, nữ nhà thơ đầu tiên của Việt Nam
Hôm nay, 01/02/2023 khi bạn truy cập vào trang chủ Google VN sẽ thấy 1 Logo kỷ niệm một nhân vật của Việt Nam. Vậy nhân vật trong bức tranh đó là ai? Mời bạn cùng giaoanlink tìm hiểu đôi chút về tiểu sử nhân vật này nhé!
Nhân vật ấy là Sương Nguyệt Anh, nữ nhà thơ đầu tiên của Việt Nam. Sau đây là tiểu sử của bà được biên tập từ Wikipedia:
Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê ( 1864 – 1921), là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, tên ghi trên bia mộ lại là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh. Bút hiệu Sương Nguyệt Anh của bà có nghĩa là “Góa phụ Nguyệt Anh”.
Tiểu sử các nhân vật khác, bạn có thể xem thêm:
- Tiểu sử Sương Nguyệt Anh, nữ nhà thơ đầu tiên của Việt Nam
- Tiểu sử anh hùng Trần Đại Nghĩa
- Tiểu sử nhà sử học Ngô Sĩ Liên
- Tiểu sử anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
- Tiểu sử anh hùng Nguyễn Viết Xuân
- Tiểu sử nhà văn Ngô Tất Tố
- Tiểu sử Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu
- Tiểu sử Nguyễn Khuyến
- Tiểu sử Nguyễn Công Trứ
- Tiểu sử anh hùng LÝ TỰ TRỌNG
Tiểu sử
Sương Nguyệt Anh sinh tại làng An Bình Đông, nay là xã An Đức, Ba Tri, Bến Tre. Bà là con gái thứ tư (cho nên trong gia tộc thường gọi bà là Năm Hạnh) của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc.
Thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại. Để tránh tai hoạ, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại, góa vợ tên Nguyễn Công Tính, sinh được một bé gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “sương”, thành “Sương Nguyệt Anh”, có nghĩa là “Nguyệt Anh goá chồng”.
Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật du học.
Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là “tiếng chuông của nữ giới”. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1 tháng 2 năm 1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Nhưng dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7 năm 1918, tờ Nữ giới chung bị đình bản. Cũng ngay lúc này, người con gái độc nhất của bà (Nguyễn Thị Vinh) vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.
Sau đó mắt bà bị bệnh, thường xuyên đau nhức và sức khoẻ cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù loà hẳn.
Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Sáng sớm ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức 9 tháng 1 năm 1922), Sương Nguyệt Anh trút hơi thở cuối cùng, lúc 58 tuổi.
Lúc đầu, mộ Sương Nguyệt Anh ở Mỹ Nhơn, về sau (năm 1959) được đồng bào cải táng dời về nằm cạnh mộ phần của song thân bà, tức nằm trong khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.
Tác phẩm
Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn tản mác một số bài thơ, như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến… Và vài bài vè, như: Vè tiểu yêu, Vè Thầy Hỷ, Vè đánh đề…
Vinh danh
Bút hiệu của bà được đặt cho một số đường phố tại Việt Nam, nhưng thường bị viết sai chính tả thành “Sương Nguyệt Ánh”, ví dụ ở Đà Lạt và Vũng Tàu. Đường Sương Nguyệt Anh ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng bị viết sai nhưng đã được khắc phục, song nhiều bảng hiệu trên đường vẫn dùng tên sai. Google Doodle ngày 1.2.2023 tôn vinh bà – nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.