Tại sao Việt Nam đón năm Mèo, không phải Thỏ như các nước khác?

Việt Nam tôn vinh con mèo trong năm Mão thay vì thỏ như Trung Quốc và các nước đón Tết Nguyên đán khác. Một số giả thuyết được đưa ra để giải thích cho sự khác biệt này.

(Linh vật mèo này được chế tác bởi nghệ nhân Đinh Văn Tâm (trú xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) – Quý Mão 2023. Đặc biệt, thông tin chi phí để hoàn thiện chú mèo thần thái này chỉ mất 31 triệu đồng lại khiến cư dân mạng trầm trồ. Ảnh: Giang Thanh)

Trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước châu Á khác chuẩn bị chào đón năm con thỏ, Tết Nguyên đán ở Việt Nam khác biệt hơn vì con giáp thứ 4 trong quan niệm của người Việt là con mèo.

Trên khắp đất nước Việt Nam, đường phố được trang trí bằng những tượng mèo và các cửa hàng chất đầy đồ trang trí theo chủ đề mèo.

Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc có chung 10/12 con giáp – chuột, hổ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và lợn. Tuy nhiên, người Việt tôn vinh con mèo thay vì con thỏ, con trâu thay vì con bò.

(Chú mèo nặng khoảng 250 kg; cao 3,1 m; rộng 2,2 m và dài 2,8 m, với thần thái vui vẻ, hồn nhiên níu chân người dân và du khách ngang qua. Ảnh: Giang Thanh)

Có nhiều giả thuyết để giải thích tại sao Việt Nam lại chọn con mèo đại diện cho năm Mão.

Nguyen Huu Tin, chuyên gia về văn hoá truyền thống Việt Nam, cho rằng câu trả lời có thể nằm ở những cánh đồng lúa được người nông dân tại dải đất hình chữ S quý trọng.

“Lúa nước là một phần quan trọng trong nền nông nghiệp của Việt Nam. Với mối đe dọa từ nhiều loại chuột trên đồng ruộng, những con mèo (có thể bắt chuột) trở thành loài động vật phổ biến với người Việt Nam. Một cách giải thích khác là người Việt Nam không muốn sống hai năm với hai con vật tương tự nhau. Họ coi chuột và thỏ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”, ông Tin nói với AFP.

Theo một giả thuyết khác, người Việt Nam đã tự giải thích từ thỏ trong tiếng Hán là “mao”, thành chữ “meo” trong tiếng Việt, có nghĩa là con mèo.

Năm con mèo được cho là mang lại may mắn và thuận buồm xuôi gió ở Việt Nam.

Theo Tienphong